banner

MỘT SỐ DỰ ÁN LỚN TIÊU BIỂU TRONG CÁC KCN, KKT, KCNC NĂM 2015

Năm 2015, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, KCNC trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về phát triển KCN, KKT; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và doanh nghiệp; với môi trường đầu tư thông thoáng, các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn,… các KCN, KKT, KCNC trên cả nước vẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn.

Tạp chí KCN Việt Nam xin điểm lại một số dự án lớn đầu tư vào các KCN, KKT, khu công nghệ cao (KCNC) trong năm.

1. Dự án Công ty Samsung Display Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm 3 tỷ USD. Giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư 1 tỷ USD đã được tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 2/7/2014. Dự án tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan tới sản xuất màn hình có độ phân giải cao; đồng thời sản xuất, lắp ráp các thế hệ tiếp theo của màn hình có độ phân giải cao, bao gồm cả màn hình cong và uốn cong… cho các thiết bị điện tử, vừa cung cấp cho hai Khu tổ hợp công nghệ Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên, vừa xuất khẩu ra thị trường thế giới.

2. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 được khởi công xây dựng ngày 18/9/2015 tại KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng vốn đầu tư 48.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là một trong hai nhà máy của Trung tâm Điện lực Nghi Sơn (Thanh Hóa). Đây là dự án nhiệt điện đầu tiên áp dụng công nghệ siêu tới hạn với hiệu suất cao, góp phần giảm khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng là dự án BOT đầu tiên trong ngành điện tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn giá điện.

3. Dự án Khu phức hợp Điện tử gia dụng Samsung (SEHC) của Tập đoàn điện tử Samsung (Samsung Electronics) được khởi công xây dựng ngày 19/5/2015 tại KCNC Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP). Dự án có tổng vốn đầu tư 1,4 t USD với quy mô diện tích 70ha, tập trung nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm tivi như tivi màn hình cong UHD, Smart TV, TV LCD, LED…

4. Dự án Nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cheng Loong Bình Dương Paper có tổng vốn đầu tư 22.775 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD); trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 6.832,5 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD) chuyên sản xuất giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng. Nhà máy xây dựng tại KCN Singapore Ascendas-Protrade (xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) trên diện tích 75 ha, công suất 1 triệu tấn giấy công nghiệp/năm và 50.000 tấn giấy tiêu dùng/năm.

5. Dự án của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tại KCN Nhơn Trạch 5 được UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đầu tư ngày 6/5/2015. Đây là Dự án thứ hai của Hyosung tại KCN Nhơn Trạch 5 với diện tích đất thuê 22,62ha, tổng mức đầu tư 660 triệu USD, ngành nghề sản xuất các loại sợi vải mành, sợi spandex, nylon, polyester; các loại sợi thép dùng cho lốp xe hơi như: Tire Cord, Bead wire, saw wire; sản xuất động cơ điện, phụ tùng động cơ điện, máy biến thế…

6. Dự án KCN công nghệ cao Long Thành được trao Giấy chứng nhận đầu tư  ngày 22/7, do Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 282 triệu USD, diện tích sử dụng đất hơn 400 ha (chưa tính 3 ha đất lộ giới giao thông), được đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã Tam An, An Phước, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án được tổ chức và hoạt động theo quy định về KCN, KCX và KKT hiện hành, thời gian hoạt động là 50 năm.

7. Dự án Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn được khởi công xây dựng ngày 9/9/2015 tại KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với tổng vốn đầu tư 5.850 tỷ đồng, diện tích 71ha, quy mô bao gồm diện tích bến cảng và khu hậu cần kho bãi chứa nguyên liệu và hàng hóa. Dự án có 9 bến với tổng chiều dài 2.250m, khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 tấn cập cảng với năng lực xếp dỡ khoảng 30 triệu tấn hàng hóa/năm. Đây là hệ thống cảng biển tổng hợp được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn về quản lý, vận hành và an toàn của Hiệp hội cầu cảng quốc tế.

8. Dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (thuộc Tập đoàn Far Eastern – Đài Loan) được trao Giấy chứng nhận đầu tư ngày 29/6/2015. Mục tiêu của dự án là sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester gồm xơ dài filament, sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim. Dự án được xây dựng trên diện tích 99 ha tại KCN đô thị Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, với vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I là 274 triệu USD. Dự kiến khi hoàn thành giai đoạn I, Nhà máy sẽ đạt công suất 96 triệu m2/năm sản phẩm sợi cotton và 127 triệu m2/năm xơ tổng hợp polyester…

9. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm cao su của Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) được trao giấy chứng nhận đầu tư ngày 22/9/2015. Nhà máy có diện tích 42,2ha được đặt tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, tổng vốn đầu tư 160 triệu USD, chuyên sản xuất vỏ, ruột xe ô tô, xe máy và xe đạp xuất khẩu, quy mô 7,5 triệu sản phẩm/năm. Sản phẩm của nhà máy chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ với kim ngạch dự kiến khoảng 300 triệu USD/năm. Đây là dự án lớn nhất về quy mô, diện tích tại các KCN của Tổng Công ty Sonadezi và cũng là nhà máy lớn nhất của Kenda tại Đồng Nai.

10. Dự án Công ty TNHH Nitori Bà Rịa – Vũng Tàu do Công ty TNHH Nitori Holdings Nhật Bản đầu tư tại KCN Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với mục tiêu sản xuất đồ gỗ, đồ nội thất, đồ ngoại thất và trang trí nội ngoại thất theo loại hình doanh nghiệp chế xuất trong KCN, có diện tích xây dựng khoảng 40ha với tổng vốn đầu tư đăng ký 150 triệu USD, tổng công suất khoảng 2 triệu sản phẩm/năm. Dự án được thực hiện theo 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 sẽ khởi công vào khoảng tháng 6/2016 và đi vào hoạt động từ tháng 7/2017. Giai đoạn này, Công ty sẽ triển khai xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị, máy móc, tuyển dụng và đào tạo cho khoảng 1.000 lao động.