banner

Khởi công Dự án Nhà máy may Vinatex An Biên tại Kiên Giang

Sáng nay (14/3), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chính thức khởi công Dự án Nhà máy may Vinatex An Biên tại khu đô thị Thứ Bảy, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Dự lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo Vinatex.

Dự án có diện tích 3,7 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 210 tỷ đồng, quy mô 32 dây chuyền may và sử dụng khoảng 1.500 lao động, sản lượng 12 triệu sản phẩm/năm, doanh thu trung bình 850 tỷ đồng/năm. Dự án dự kiến thực hiện nghĩa vụ đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân cho người lao động 4 -5 triệu đồng/người/ tháng. Dự án Nhà máy may Vinatex An Biên sẽ đi vào sản xuất thương mại trong quý I/2017.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Vinatex xây dựng nhà máy may tại Kiên Giang. Với việc xây dựng nhà máy mới này, Vinatex đã tạo thêm hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế tại tỉnh Kiên Giang.

Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương giao cho tập đoàn phát triển năng lực dệt may theo định hướng tầm nhìn năm 2030, Vinatex đang quyết liệt triển khai chương trình đầu tư phát triển tại tỉnh Kiên Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. Vinatex và các đơn vị thành viên đã và đang đầu tư 11 nhà máy tại các tỉnh: Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang… thu hút 23.000 lao động. Riêng tại tỉnh Kiên Giang, trong năm 2015, tập đoàn đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy may Vinatex Kiên Giang tại huyện Gò Quao với quy mô 2.000 lao động. Có thể khẳng định rằng, việc đầu tư nhà máy may tại các tỉnh ĐBSCL là hướng đi đúng đắn, ngoài việc tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho 23.000 lao động còn góp phần rất lớn vào việc ổn định an ninh trật tự, an sinh xã hội, chuyển đổi hình thức lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, nộp ngân sách cho các địa phương.

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, việc đầu tư nhà máy may Vinatex An Biên không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam tại thị trường nội địa và hội nhập thị trường thế giới; Phát triển tiềm năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dệt may; tăng thu ngoại tệ, gia tăng lợi nhuận, tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần phát triển kinh tế và đa dạng hóa ngành nghề sản xuất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.